Nội dung chi tiết trong vận đơn hàng không
Vận đơn hàng không là chứng từ do người chuyên chở phát hành để xác nhận việc nhận lô hàng để vận chuyển bằng máy bay. Thuật ngữ này trong tiếng Anh là Air Waybill, thường viết tắt là AWB.
Chức năng AWB
Về chức năng, Vận đơn đường hàng không đóng vai trò là:
- Biên lai giao hàng cho người chuyên chở,
- Bằng chứng của hợp đồng vận chuyển.
Cần lưu ý rằng, AWB không phải là chứng từ sở hữu, do đó không thể chuyển nhượng được như vận đơn đường biển (loại theo lệnh). Trong trường hợp ngoại lệ, để thanh toán bằng tín dụng thư (L/C), 2 bên mua bán sẽ phải thỏa thuận và phải làm thêm thủ tục cần thiết (chẳng hạn như: thư cam kết đảm bảo) nhờ ngân hàng chấp nhận “ký hậu” vào mặt sau AWB để lấy hàng
Về mặt trình tự, sau khi người gửi hàng giao hàng cho hãng vận chuyển (carrier) và hoàn tất thủ tục hải quan xuất khẩu, thì sẽ được bên vận chuyển cấp vận đơn hàng không. Do thời gian vận chuyển bằng máy bay rất nhanh so với tàu biển, nên một bộ AWB sẽ được gửi kèm cùng hàng hóa để các bên có thể tham chiếu nhanh và giúp người nhận hàng làm sớm thủ tục nhập hàng tại nơi đích đến.
Vận đơn gốc AWB sẽ được phát hành cùng lúc nhiều bản cho nhiều bên như người chuyên chở, người nhận hàng, người gửi hàng… Sau khi hàng đến đích, người nhận hàng hoặc đại lý của họ đến văn phòng người chuyên chở để nhận AWB cùng bộ chứng từ gửi kèm theo hàng hóa. Tùy theo thỏa thuận trong hợp đồng mua bán, người nhập khẩu cũng có thể nhận AWB và bộ chứng từ gốc qua đường chuyển phát nhanh trước khi hàng đến để làm thủ tục nhập khẩu.
Nội dung và mẫu vận đơn hàng không
Mẫu vận đơn hàng không do IATA quy định. Dưới đây là mẫu và nội dung AWB của KoreanAir và UPS để bạn có thể tham khảo.
Một số nội dung chi tiết trên mặt trước của mẫu AWB trên như sau:
- Số vận đơn (AWB number)
- Sân bay xuất phát (Airport of departure)
- Tên và địa chỉ của người phát hành vận đơn (Issuing carrier’s name and address)
- Người gửi hàng (Shipper)
- Người nhận hàng (Consignee)
- Ðại lý của người chuyên chở (Issuing carrier’s agent)
- Tuyến đường (Routine)
- Thông tin thanh toán (Accounting information)
- Tiền tệ (Currency)
- Mã thanh toán cước (Charges codes)
- Cước phí và chi phí (Charges)
- Giá trị kê khai vận chuyển (Declare value for carriage)
- Giá trị khai báo hải quan (Declare value for customs)
- Số tiền bảo hiểm (Amount of insurance)
- Thông tin làm hàng (Handing information)
- Số kiện (Number of pieces)
- Các chi phí khác (Other charges)
- Cước và chi phí trả trước (Prepaid)
- Cước và chi phí trả sau (Collect)
- Ô ký xác nhận của người gửi hàng (Shipper of certification box)
- Ô dành cho người chuyên chở (Carrier of execution box)
- Ô chỉ dành cho người chuyên chở ở nơi đến (For carrier of use only at destination)
- Cước trả sau bằng đồng tiền ở nơi đến, chỉ dùng cho người chuyên chở (Collect charges in destination currency, for carrier of use only).
Phân biệt MAWB và HAWB
Liên quan đến loại vận đơn, câu hỏi tôi thường thấy là: MAWB và HAWB là gì? Phân biệt MAWB và HAWB thế nào?
Thực tế thì cả MAWB và HAWB đều là vận đơn hàng không. Nhưng được cấp bởi 2 chủ thể khác nhau:
- HAWB là viết tắt của House Air Waybill (vận đơn nhà), do người giao nhận cấp
- MAWB là Master Air Waybill (vận đơn chủ), do hãng hàng không cấp
Nói cách khác, khi chủ hàng lưu chỗ (book) với công ty giao nhận hàng không, bên giao nhận sẽ cấp HAWB. Tới lượt mình, người giao nhận book lại chỗ với hãng hàng không cho lô hàng đó, thì sẽ được hãng cấp MAWB.
Ý này cũng tương tự như cách phân biệt giữa HBL và MBL trong vận tải biển
AWB có mấy bản gốc, mấy bản copy?
AWB thường có ít nhất là 9 bản, trong đó có 3 bản gốc (original), và 6 bản copy trở lên. Tôi sẽ tóm tắt về từng bản AWB
- Bản gốc số 1, màu xanh lá cây (green), dành cho người chuyên chở, dùng làm bằng chứng của hợp đồng vận chuyển, và được người chuyên chở phát hành vận đơn giữ lại làm chứng từ kế toán. Bản này có chữ ký của người gửi hàng.
- Bản gốc số 2, màu hồng (pink), dành cho người nhận hàng, được gửi cùng lô hàng tới nơi đến cuối cùng và giao cho người nhận khi giao hàng.
- Bản gốc số 3, màu xanh da trời (blue), dành cho người gửi hàng. Là bằng chứng của việc người chuyên chở đã nhận hàng để chở và làm bằng chứng của hợp đồng chuyên chở. Bản này có chữ ký của cả người chuyên chở và người gửi hàng.
Sau 3 bản gốc, các bản copy thường có màu trắng được đánh số tiếp tục từ 4:
- Bản số 4, màu vàng, là biên lai giao hàng, có sẵn ở nơi đến cuối cùng. Bản này có chữ ký của người nhận hàng và được người chuyên chở cuối cùng giữ lại để làm biên lai giao hàng và làm bằng chứng là người chuyên chở đã hoàn thành hợp đồng chuyên chở.
- Bản số 5, dành cho sân bay đến, có sẵn ở sân bay đến.
- Bản số 6, dành cho người chuyên chở thứ 3, dùng khi hàng được chuyên chở tại sân bay thứ 3.
- Bản số 7, dành cho người chuyên chở thứ 2, dùng khi hàng được chuyển tải tại sân bay thứ 2.
- Bản số 8, dành cho người chuyên chở thứ 1, được bộ phận chuyển hàng hoá của người chuyên chở đầu tiên giữ lại khi làm hàng.
- Bản số 9, dành cho đại lý, bản này được người đại lý hay người chuyên chở phát hành giữ lại.
- Bản số 10 đến 14 (nếu phát hành), là những bản chỉ dùng cho chuyên chở khi cần thiết.
So sánh vận đơn đường biển và vận đơn hàng không
Vận đơn của 2 phương thức vận tải này đều có những đặc điểm chung của vận đơn:
- Là biên lai gửi hàng và bằng chứng của hợp đồng vận chuyển
- Do người vận chuyển phát hành, với những nội dung cơ bản như: tên người gửi hàng, nhận hàng, thông tin về phương tiện vận chuyển, thông tin lô hàng…
Tuy nhiên, vận đơn đường biển và vận đơn hàng không cũng có một số điểm khác nhau quan trọng như sau:
Không chuyển nhượng được | Có thể chuyển nhượng được, nếu là loại giao hàng theo lệnh |
Phát hành sau khi giao hàng cho hãng vận chuyển | Phát hành sau khi hàng đã được xếp lên tàu |
Phát hành ít nhất 9 bản | Phát hành bộ đầy đủ: 3 bản gốc, 3 bản copy |
Dùng trong vận chuyển hàng không | Dùng trong vận tải biển |
Không dùng với điều kiện FAS, FOB, CFR và CIF trong Incoterms. | Có thể sử dụng với tất cả các điều kiện quy định trong Incoterms 2010 |
Điều chỉnh bởi Công ước Warsaw, Công ước Hague sửa đổi, Công ước Montreal | Điều chỉnh bởi Công ước Hague, Hauge-Visby, và Bộ luật US COGSA 1936 |
Tra cứu vận đơn hàng không
Các hãng hàng không hiện đều cho phép tra cứu tình trạng lô hàng trên website của họ.
Để có thể tra cứu vận đơn hàng không, bạn vào website của hãng và tìm phần tracking. Sau đó nhập số AWB vào là có thể tìm được thông tin mình cần.