Có đến 37% container hàng hóa trên thế giới bị ‘rớt tàu’ phải nằm chờ tại cảng
Hơn một phần ba container hàng hóa trên toàn thế giới đang bị “rớt tàu” phải nằm lại cảng trong bối cảnh chuỗi cung ứng phải đối mặt với một thách thức chưa từng có.
Số liệu thống kê về tình trạng vận chuyển chậm trễ hàng hóa mới nhất của Ocean Insights vừa được công bố cho thấy hoạt động vận tải container đang ảnh hưởng đến thị trường như thế nào, với tỷ lệ “rớt tàu” tăng cao trên các cảng chính trong tháng 12 năm 2020 và hầu hết các hãng vận tải lớn đều cho thấy sự gia tăng về mức độ chậm trễ trong vận chuyển.
Tình hình Container hàng hóa ách tắc trên toàn thế giới
Các số liệu mới nhất từ Ocean Insights cho thấy hầu hết các cảng lớn đều có lượng hàng hóa bị “rớt tàu” tăng cao từ tháng 11 đến tháng 12. Thay vì lưu lượng hàng hóa giảm dần theo mùa vụ như trước đây, nhưng ngược lại, nhu cầu vận hóa hàng hóa lại đang tăng lên trong thời điểm mà lẽ ra thường phải giảm xuống. Việc tìm kiếm các thiết bị container có sẵn đã trở nên vô cùng khó khăn trong những tháng gần đây.
Ocean Insights tính toán tỷ lệ “rớt tàu” cho các hãng vận tải theo tỷ lệ phần trăm hàng hóa được vận chuyển trên toàn cầu bởi mỗi hãng đã phải rời cảng trên một con tàu khác so với lịch tàu ban đầu.
“Trong số 20 cảng toàn cầu mà Ocean Insights thu thập dữ liệu, hàng hóa bị “rớt tàu” trong tháng 12 năm 2020 đã tăng lên 75% so với tháng trước đó. Các cảng trung chuyển lớn như Port Klang ở Malaysia và Colombo ở Sri Lanka ghi nhận có đến trên 50% lượng hàng hóa bị chậm trễ, còn với Singapore – trung tâm trung chuyển lớn nhất thế giới – và các cảng chính hàng đầu như Thượng Hải và Busan đang có tỷ lệ container hàng hóa bị “rớt tàu” đến hơn một phần ba số container của họ, vào tháng trước, ”Josh Brazil, giám đốc vận hành của Ocean Insights cho biết.
Các chuyên gia trong ngành hiện đang cảnh báo rằng sự gia tăng nhu cầu hàng hóa có thể kéo dài đến năm 2021, với khả năng cao là tình trạng này sẽ tiếp tục kéo dài trong suốt nửa đầu năm nay.
Phần lớn mối quan tâm gần đây đối với hàng hóa bị “rớt tàu” tập trung vào các container lạnh. Một số cảng ở Trung Quốc được thông báo là đã hết các chỗ để cung cấp điện cho các container lạnh, gây nguy hiểm cho các hàng hóa dễ hỏng.
Tỷ lệ “rớt tàu” tổng thể đã tăng lên 37% trong tháng 12 so với cùng kỳ năm trước, tính trung bình trên các cảng được khảo sát, bao gồm các cảng ở tất cả các khu vực có lượng hàng hóa lớn của châu Âu, Mỹ và châu Á cũng như các khu vực có ít hàng hóa hơn như Mỹ Latinh. Tuy nhiên, Mỹ Latinh chiếm một tỷ trọng đáng kể trong thương mại hàng lạnh với Mỹ, châu Á và châu Âu.
Brazil nhận xét: “Nhu cầu hàng hóa vẫn đang tăng lên trong khi công suất vận tải đã được triển khai thêm để đáp ứng cho nhu cầu này dường như không có tác dụng nhiều”.
Các hãng vận tải biển lớn cũng đã chứng kiến sự gia tăng tổng thể về tỷ lệ hàng hóa bị “rớt tàu” từ 35% trong tháng 11 lên 37% trong tháng 12. Ba trong số các hãng này có hơn 50% lượng hàng hóa vẫn còn nằm lại tại cảng khởi hành.
Các đối tác trong Liên minh 2M là hãng tàu MSC và hãng tàu Maersk đã cố gắng ngăn chặn sự gia tăng của số lượng container bị “rớt tàu” trong tháng, cả hai đều ghi nhận có mức độ “rớt tàu” trong tháng 12 bằng với tháng trước đó.
Những gián đoạn chưa từng có đối với chuỗi cung ứng quốc tế trong năm qua không phải do một bên trong chuỗi gây ra; Chúng là kết quả của những thay đổi đột ngột và căn bản đối với nhu cầu hàng hóa do tác động của đại dịch Covid-19, nhóm vận động hành lang, Hội đồng Vận tải Thế giới nhấn mạnh trong một thông cáo tuần trước.
“Đại dịch đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc tiếp cận các container và thiết bị. Do các hoạt động vận tải nội địa, cảng và kho bãi gặp phải tình trạng tắc nghẽn, thiếu lao động và quá tải, nên việc định vị, sử dụng và trả lại các container trong chuỗi cung ứng toàn cầu đã bị chậm lại ”, nhóm hãng tàu cho biết.
Theo phân tích mới từ Sea-Intelligence, có sự chênh lệch lớn trong mùa cao điểm của năm 2020 so với những năm bình thường trước đó. Dữ liệu được Sea-Intelligence công bố vào tháng trước cũng cho thấy cứ 2 chuyến tàu trên thế giới sẽ có một chuyến bị đến trễ, đây là kỷ lục thấp nhất từ trước đến nay về độ tin cậy của lịch trình vận chuyển kể từ khi Sea-Intelligence bắt đầu theo dõi dữ liệu này vào năm 2011.
Phân tích Chỉ số Năng lực Thương mại của eeSea có trụ sở tại Copenhagen cho thấy các hãng tàu đang tăng nhanh sức tải Container hàng hóa trong năm nay.
Trên ba tuyến chính trên trục Đông / Tây, công suất vận tải của tháng 1 tăng 7,6% so với thời điểm cùng kỳ của năm 2020, theo eeSea với tỷ lệ số tàu hủy chuyến gần như bằng nhau. Dữ liệu cũng cho thấy tháng 2 và tháng 3 tăng lần lượt 34% và 17%, một phần là do số lượng hủy chuyến thấp hơn.
“Chúng tôi thấy rằng các hãng vận tải đang cố gắng tận dụng mọi tàu đang cho thuê có sẵn trên thị trường,” Simon Sundboell, Giám đốc điều hành eeSea cho biết trong một thông cáo gần đây.
Tuần trước, có thông tin cho rằng hơn 30 tàu container đã neo đậu ở Vịnh San Pedro chờ dỡ hàng tại Cảng Los Angeles, lấp đầy tất cả các chỗ neo có thể sử dụng ngoài khơi Los Angeles và Long Beach.
“Sản xuất của Trung Quốc tiếp tục bùng nổ, và người tiêu dùng Mỹ đang chi tiêu nhiều hơn cho hàng hóa nhập khẩu. Lượng nhập khẩu tăng đột biến và tình trạng tắc nghẽn dự kiến sẽ kéo dài trong quý 1 năm 2021, điều này sẽ tiếp tục gây áp lực làm tăng giá lên,” một báo cáo mới từ Jefferies.
Nguồn: (Theo Splash247)